Trình bày cảm nhận sau khi đọc bài thơ Phò giá về kinh của Trần Quang Khải
Hướng dẫn
Đề bài: Phò giá về kinh là khúc khải hoàn khi quân ta đã giành chiến thắng trước quân xâm lược Mông Nguyên. Em hãy trình bày cảm nhận khi đọc bài thơ Phò giá về kinh của Trần Quang Khải.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Trần Quang Khải và bài thơ “Phò giá về kinh ”: Bài thơ “Phò giá về kinh” của Trần Quang Khải được sáng tác khi quân ta đã lấy lại được kinh thành Thăng Long
2. Thân bài
- Những chiến tích đầy tự hào của dân tộc: Đó chính là chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử
- Lời nhắc nhở chân tình về bảo vệ nền hòa bình của dân tộc: để có được như ngày hôm nay chúng ta đã phải hi sinh biết bao xương máu
- Niềm tin và sự khẳng định vận mệnh trường tồn của đất nước: khi toàn thể nhân dân ta đã nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của nền hòa bình độc lập đó
3. Kết bài
Nêu ý nghĩa của bài thơ: Như vậy bài thơ “Phò giá về kinh” của Trần Quang Khải đã đề cao sức mạnh dân tộc.
Bài viết liên quan đến bài thơ Phò giá về kinh:
>>Phân tích bài thơ Phò giá về kinh để thấy được tình yêu nước được thể hiện trong bài thơ
>>Cảm nghĩ về bài thơ Phò giá về kinh của tác giả Trần Quang Khải – Văn mẫu lớp 7 đặc sắc nhất
>>Phân tích hào khí chiến thắng và khát vọng hòa bình trong bài Phò giá về kinh của Trần Quang Khải
II. Bài tham khảo
Bài thơ “Phò giá về kinh” của Trần Quang Khải được sáng tác khi quân ta đã lấy lại được kinh thành Thăng Long trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai, tác giả đang phò giá hai vị vua trở về kinh đô. Bài thơ không chỉ thể hiện được niềm tư hào về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta mà còn thể hiện được niềm tin mãnh liệt vào vận mệnh vững bền của quốc gia, dân tộc.
Hai câu thơ đầu tiên, tác giả Trần Quang Khải đã gợi lại những chiến tích của cuộc kháng chiến dân tộc đầy tự hào:
“Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.”
Đó chính là chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử, tuy không phải là những chiến thắng vang dội và lừng lẫy nhất của quân ta nhưng lại là chiến thắng cuối cùng, mang tính quyết định sự thắng lợi của quân ta. Có thể thấy, tác giả đã sử dụng những động từ để diễn tả khí thế chiến thắng của quân ta như “cướp”, “bắt”. Tuy nhiên từ “cướp” của phần dịch nghĩa so với phần phiên âm là từ “đoạt” đã kém đi phần ý nghĩa. Về sắc thái của từ, từ “cướp” là chỉ hành động không chính nghĩa, dùng sức mạnh để chiếm đoạt, như vậy đã làm mất đi sự chính nghĩa, hào hùng của câu thơ. So với từ “đoạt” vừa thể hiện được sự thắng lợi hiên ngang của ta khi đoạt được vũ khí của quân giặc, đồng thời thể hiện được một thái độ của người chiến thắng, quân ta đứng ở thế chủ động, dùng chính nghĩa để hành động. Với chiến công ở cửa Hàm Tử, quân ta đã ghi dấu một mốc son chói lọi vào trang sử sách nước nhà, đó là một trận chiến oai hùng, đáng tự hào khi ta đã giành thắng lợi, diệt trừ gian ác và bảo vệ nền độc lập hòa bình.
“Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu”
Ở hai câu thơ cuối này, tác giả đã khẳng định sự vững bền của nền độc lập dân tộc, của một đất nước thái bình và thể hiện niềm tin tưởng tuyệt đối vào vận mệnh trường tồn của đất nước. “Thái bình” chính là không khí của một cuộc sống yên bình, hòa hợp của nhân dân, đất nước sau khi đã giành được độc lập, đánh đuổi sạch bóng quân thù và lũ giặc bán nước. Tác giả đồng thời đã đưa ra lời nhắc nhở đầy chân tình và tha thiết rằng “nên gắng sức”, để có được như ngày hôm nay chúng ta đã phải hi sinh biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt của bao người lính, người dân. Chúng ta phải cố gắng bảo vệ nền hòa bình và độc lập đó, bởi Việt Nam ta luôn là một đối tượng xâm chiếm của kẻ thù, dù có sức mạnh gì đi nữa ta cũng không được chủ quan, đề cao cảnh giác với các thế lực bên ngoài. Nhà thơ đã khẳng định một niềm nin vững chắc rằng, khi toàn thể nhân dân ta đã nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của nền hòa bình độc lập đó mà gắng sức thì dân tộc ấy sẽ không bị bất cứ mọt thế lực nào cản trở. Vận mênh của đất nước cứ mãi đi lên và bền vững cho tới “nghìn thu”.
Như vậy bài thơ “Phò giá về kinh” của Trần Quang Khải đã đề cao sức mạnh dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, niềm tự hào truyền thống anh hùng chính nghĩa cũng như niềm tin bất diệt vào sự trường tồn của đất nước.
Theo wikisecret.com