Soạn bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương.
Đề bài: Soạn bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương.
TIỂU DẪN
Tác giả
- Trần Tế Xương (1870 – 1907), tên thường gọi là Tú Xương.
- Quê ở Nam Định.
- Ông có khoảng trên 100 bài thơ, chủ yếu là thơ Nôm.
- Sáng tác của Tú Xương gồm hai mảng: trào phúng và trữ tình.
Tác phẩm
- Thương vợ là một trong những bài thơ hay và cảm động nhất của Tú Xương viết về bà Tú.
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
Câu 1.
Hình ảnh bà Tú trong bốn câu thơ đầu:
- Bà Tú là người phụ nữ nông thôn vất vả, lam lũ, chịu thương chịu khó với công việc Quanh năm buôn bán ở mom sông.
- Bà Tú rất đảm đang, mạnh mẽ khi Nuôi đủ năm con với một chồng.
- Bà can đảm và giàu đức hi sinh khi một mình Lặn lội thân cò khi quãng vắng.
- Bà cũng rất tháo vát, nhanh nhẹn trong những buổi Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Tác giả đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ con cò để nói về bà Tú. Xưa nay, văn học dân gian vẫn thường ví người nông dân lam lũ vất vả giống như thân cò. Tú Xương cũng ví vợ mình như con cò chăm chỉ, sống hết lòng vì chồng vì con.
Đặc biệt, sự đối lập trong câu thơ: Nuôi đủ năm con với một chồng đã làm rõ vai trò và vị trí quan trọng của bà Tú trong gia đình. Một mình bà cùng một lúc nuôi cả chồng và năm con. Tác giả dùng từ đủ để gợi lên sự vất vả và nỗ lực vô cùng lớn lao của bà Tú. Bà không những là người mẹ mẫu mực mà còn là người phụ nữ rất trung hậu, đảm đang của gia đình.
Giọng điệu câu thơ khá chậm như để giãi bày những nổi vất vả mà bà Tú đang gánh tên vai.
Câu 2.
Đức tính cao đẹp của bà Tú được thể hiện rất rõ trong những câu thơ:
- Nuôi đủ năm con với một chồng. Câu thơ nói lên đức tính trung hậu, đảm đang của bà Tú – của người phụ nữ truyền thống Việt Nam. Một mình bà không những nuôi năm đứa con mà còn nuôi luôn cả chồng.
- Lặn lội thân cò khi quãng vắng, Eo sèo mặt nước buổi đò đông. Hai câu thơ thể hiện sự tháo vát, nhanh nhẹn và giàu đức hi sinh của bà Tú khi ngày ngày bà lặn lội nơi nước sâu nguy hiểm để kiếm miếng cơm manh áo cho chồng cho con.
- Năm nắng mười mưa dám quản công. Ẩn chứa trong câu thơ là sự hi sinh cao cả của người phụ nữ suốt một đời sống hết lòng vì chồng vì con. Dẫu nắng hay mưa, bà vẫn luôn cặm cụi, vất vả lo lắng việc kiếm tiền mà chẳng hề kêu than.
Tóm lại, bà Tú rất xứng đáng là người phụ nữ trung hậu, đảm đang, và đáng được nhận những lời thơ ân cần của Tế Xương.
Câu 3.
Lời “chửi” trong hai câu thơ cuối là lời của Trần Tế Xương. Ông chửi chính mình vì đã không tròn trách nhiệm và bổn phận của một người chồng với vợ.
Đồng thời ông cũng oán hận giai cấp thống trị bạc bẽo khiến nghề văn vốn là nghề cao quý nhưng lại không có chỗ đứng trong xã hội. Vì vậy, mọi chi tiêu trong nhà đều do bà Tú lo lắng, sắp xếp.
Ông thương vợ, nhưng cũng giận mình và giận chế độ bất công.
Câu 4.
Bài thơ không có một từ nào chứa đựng hai chữ thương vợ ngoài nhan đề, nhưng nỗi lòng của ông đã được ẩn sâu trong từng câu từng chữ. Bởi chỉ có người thương vợ mới thấu hiểu được công việc vất vả mà vợ đang làm. Bởi thế, khi viết về vợ, ông hiểu rằng bà Tú lúc nào cũng phải lặn lội, eo sèo, năm nắng mười mưa dám quản công.
Biết vợ phải chịu thiệt thòi, vất vả nhưng ông lại không làm gì giúp vợ được. Càng thương vợ bao nhiêu ông lại càng tự trách mình bấy nhiêu.