Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh Khuya | Làm văn mẫu
Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh Khuya | Làm văn mẫu
Hướng dẫn
(Văn lớp 7) – Em hãy phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh
(Bài phân tích tác phẩm văn học của bạn Lê Thảo Chi lớp 7A trường THCS Chu Văn An)
BÀI LÀM
Hồ Chí Minh sáng tác bài thơ “Cảnh khuya” sau khi quân ta giành thắng lợi lớn trên trận Việt Bắc, Sông Lô, Đoan Hùng năm 1947 của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ tựa một đóa hoa ngát hương tình với sự kết tinh tình yêu thiên nhiên và tinh yêu nước sâu sắc thấm trong mỗi hình ảnh, con chữ sống động:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Trước hết, bài thơ khắc họa bức tranh thiên nhiên đêm rừng Việt Bắc. Tại cứ địa đầu não, núi rừng, ánh trăng, sông nước Việt Bắc thấm vào điệu hồn thi nhân để rồi bất chợt khi nào đó chấp bút thành thơ:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”
Đọc câu thơ, tôi chợt nhớ tới bài “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”
Nguyễn Trãi trong những ngày ẩn dật đã cảm nhận tiếng suối tương tự như tiếng đàn cầm, khắc họa không gian hoang sơ, thoát tục. Ở “Cảnh khuya”, Hồ Chí Minh chọn âm thanh tiếng hát để ví với tiếng suối. Cách so sánh này khiến bức tranh thiên nhiên thật gần gũi, thân thương. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ thính giác (“tiếng suối”) sang thị giác (“trong”). Tiếng suối ấy không chỉ gần gũi mà còn trong trẻo, tinh khôi, đầy niềm yêu sống.
Câu thơ thứ hai khắc họa bức tranh đêm khuya ngập ánh trăng và bóng trăng:
“Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Trăng trong thơ Bác giống như một người bạn, một tri âm:
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
(“Ngắm trăng”)
Nhưng khá đặc biệt, bức tranh “Cảnh khuya” lại hướng tới ánh trăng của núi rừng hùng vĩ, thơ mộng. Hình ảnh “trăng lồng cổ thụ” diễn tả cảnh ánh trăng bao trùm lên cây cổ thụ lớn, bóng trăng “lồng” từng kẽ lá in xuống mặt đất dệt thảm hoa trăng.
Chữ “lồng” xuất hiện hai lần giữa câu thơ như nhân đôi tầng trùng điệp gồm ánh trăng, tán cây, bóng trăng, mặt đất. Mỗi tầng không gian ấy đan xen trở thành không gian nghệ thuật vô cùng mĩ miều, tráng lệ.
Bức tranh đẹp như thế, khiến người người mê mẩn như thế có khiến nhân vật trữ tình say đắm tận hưởng? Hai câu thơ sau sẽ trả lời điều đó:
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Nhân vật trữ tình “chưa ngủ”. Thay vì nói “không ngủ” hay “mất ngủ”, Người nói “chưa ngủ” để nhấn mạnh đang trong niềm trăn trở nào đó. Người trăn trở vì lẽ gì? Vì cảnh quá mê đắm chăng?
Giải thích lí do, thi nhân đưa ra 2 ý: “cảnh khuya như vẽ” và “lo nỗi nước nhà”. Câu thơ trên khẳng định “chưa ngủ” vì cảnh thiên nhiên đẹp quá, khiến người ta cứ thơ thẩn mà ngắm mãi, nhìn mãi. Nhưng có ai lại trăn trở vì cành đẹp đâu? Có lẽ, cái Người trăn trở chính là thiên nhiên Việt Nam tươi đẹp phải tồn tại trong thế bị kẻ thù xâm lược, tàn phá và đô hộ. Tấm lòng bác ái của Người còn dành cho cả cây cỏ, ánh trăng.
Trong câu thơ thứ hai, thi nhân đặt từ “chưa ngủ” lên đầu câu thơ như thể nhấn mạnh đây mới chính là lí do lớn nhất khiến người còn thao thức – “nỗi nước nhà”.Cơ ngơi, sự nghiệp, độc lập dân tộc chưa hoàn thành, Người làm sao mà yên lòng ngắm cảnh đẹp cho được? Ta thấy rõ tấm lòng của một con người cả đời đau đáu cho quê hương.
Tóm lại, bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh có nhiều thành công về nghệ thuật như ngôn ngữ giản dị mà sâu sắc, từ dùng sáng tạo đầy hàm súc, bút pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, đảo ngữ, điệp ngữ…. Qua đó, bài thơ thể hiện tài năng, phong cách và tấm lòng thi sĩ. Giờ đây Người có thể an lòng mà về với thiên nhiên như sinh thời Người ao ước!
>>> XEM THÊM:
phân tích bài thơ chiều tối của hồ chí minh
Theo wikisecret.com