Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Việt Bắc | Làm văn mẫu

Dưới đây là bài làm phân tích 4 câu đầu việt bắc để làm rõ hơn những vần thơ cách mạng của Tố Hữu được wikisecret tổng hợp ở bên dưới . Hy vọng giúp các bnaj làm bài thật tốt.

Video phân tích 4 câu đầu bài việt bắc

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Việt Bắc | Làm văn mẫu

Hướng dẫn

(Văn lớp 12) – Em hãy phân tích khổ thơ đầu bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu

Dàn ý phân tích 4 câu thơ đầu việt bắc

Mở Bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu và tác phẩm Việt Bắc.

– Giới thiệu nhận định cần chứng minh

Thân Bài

a. Giải thích ý kiến đánh giá

– Giọng thơ tâm tình ngọt ngào.

– Nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc.

– Dù viết về đề tài chính trị gắn với sự kiện lịch sử tháng 10 năm 1954 nhưng bài thơ Việt Bắc nói chung và tám câu thơ đầu tiên vẫn hiện lên chất chứa cảm xúc của sự ngọt ngào, tha thiết.

b. Phân tích, bình luận về giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc trong 8 câu thơ đầu

– Bốn câu thơ đầu: là lời của những người ở lại – nhân dân Việt Bắc.

+ Điệp cấu trúc câu: “Mình về mình có nhớ ta?”, “Mình về mình có nhớ không?”.

+ Sự láy đi láy lại của câu hỏi tu từ đã xoáy sâu vào nỗi nhớ và sự day dứt khôn nguôi.

+ “Mười lăm năm ấy” gợi tháng ngày đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi.

+ Những hình ảnh “cây”, “núi”, “sông”, “nguồn” quen thuộc gợi nhắc lối sống ân nghĩa thủy chung.

→ Giọng điệu tâm tình, thủ thỉ tràn đầy cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến của đồng bào Việt Bắc.

– Bốn câu thơ sau là lời của người đi – các cán bộ chiến sĩ cách mạng.

+ Đại từ “ai” ngân vang cùng sự “tha thiết” đã nhấn mạnh vào tình cảm, cảm xúc đặc biệt.

+ Những tính từ miêu tả cảm xúc như “bâng khuâng”, “bồn chồn”.

+ Tất cả mọi cảm xúc dường như nén lại: “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.

– Giọng điệu tâm tình được tạo nên bởi nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc

+ Sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo và linh hoạt thể thơ lục bát – thể thơ dân tộc.

+ Kết cấu bài thơ được kiến tạo theo lối đối đáp giao duyên qua cặp đại từ “mình – ta”

c. Đánh giá về giọng thơ và nghệ thuật trong thơ Tố Hữu

– Giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết quyện hòa và gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc.

– Góp phần thể hiện đặc trưng trữ tình – chính trị trong phong cách thơ Tố Hữu.

– Tạo nên giá trị đặc sắc của tác phẩm Việt Bắc.

Kết Bài

Đánh giá về tính trữ tình – chính trị trong thơ Tố Hữu

Phân tích 4 câu thơ đầu bài việt bắc của bạn Đoàn Diệu Anh lớp 12A9 trường THPT Lê Quý Đôn

Tố Hữu là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng cũng là cây bút thơ ca hiện đại vị trí bậc nhất nền văn học Việt Nam. Bài thơ “Việt Bắc” thuộc trường ca “Mặt đường khát vọng” cũng là áng thiên hùng ca “được” lòng cách mạng, “được lòng” dân nhất những năm tháng chống Pháp và chống Mỹ. Chỉ đọc khổ thơ 4 câu đầu bài thơ “Việt Bắc”, ta đã thấy cả tình người, lòng người và bản sắc Việt Nam trong đó:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”

Tố Hữu được biết đến là cây bút trữ tình – chính trị độc đáo và xuất sắc. Tố Hữu không cố đi tìm cho mình một lối đi khác người hay một phong cách cá biệt. Người cho ta thấy những độc đáo ngay trong cái cũ kĩ. Cùng là câu chuyện lịch sử trọng đại chung, Tố Hữu viết như đang tâm tình, thủ thỉ. Cùng là mấy thi liệu dân gian quen, nhưng qua ngòi bút thi sĩ bỗng lạ lùng mà thú vị. Cùng là tình nghĩa tha thiết ấy, Tố Hữu lại cất lên bằng cuộc chia ly “không lời”. Hội tụ mọi điều đó trong một khổ thơ 2 câu lục bát, thi sĩ đã tài tình tới dường nào.

Khổ thơ đầu tiên trong bài thơ “Việt Bắc” thực chất là lời đồng bào ở lại nói với cán bộ chiến sĩ về xuôi trong cuộc chia tay lịch sử năm ấy. Việc để người ở lại lên tiếng trước rất hợp logic tình cảm thông thường. Người ở lại thường khá nhạy cảm bởi luôn thấy bất an, trống vắng, mất mát. Người ở lại cất tiếng xưng “ta” hỏi người ra đi là “mình”:

“Mình về mình có nhớ ta”

“Mình về mình có nhớ không”

Việc sử dụng cặp đại từ nhân xưng “mình” – “ta” là dụng ý nghệ thuật sâu sắc của tác giả. Thứ nhất, đây là thi liệu quen thuộc trong ca dao, dân ca:

“Mình về mình có nhớ chăng

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”

Nhờ đó, câu chuyện trọng đại trở nên ngọt ngào, gần gũi. Thứ hai, đây là cách xưng hô thường gặp ở mối quan hệ vợ chồng hoặc những người thân thiết. Lời thơ như chứa chan tình cảm. Thứ ba, cặp đại từ phiếm chỉ này tuy mơ hồ về thông tin nhân vật nhưng có tính đại diện chung rất cao. “Mình” và “ta” cũng được sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn tạo sự hòa hợp gắn bó chặt chẽ, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Chính những lí lẽ này mà mối tình đáng ra có vẻ riêng tư lại trở thành mối tình chung lớn lao của dân tộc. Đó là tình quân dân cá – nước mặn nồng, son sắt trong chiến tranh.

Toàn khổ thơ là những câu hỏi tu từ và đa phần là thanh bằng khiến câu thơ trở nên nhẹ nhàng, quyến luyến. Đó là những câu hỏi khơi gợi hồi ức chứ không đòi hỏi lời đáp.

“Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”

“Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”

Hồi ức được khơi gợi chính là thời gian “mười lăm năm” và không gian cây, núi, sông, nguồn. Mười lăm năm là quãng thời gian kháng chiến chống Pháp gian khổ mà hào hùng cũng là quãng thời gian nghĩa tình, đoàn kết san sẻ từng miếng khoai củ sắn, là thời gian nhất nhất chung lý tưởng cách mạng. Những hình ảnh nơi rừng núi Việt Bắc gợi cả một vùng kháng chiến, nơi cùng sinh hoạt, bàn bạc và hoạt động cách mạng. Một câu thơ nhấn thời gian, một câu thơ nhấn không gian, hai câu thơ tóm lược toàn bộ nội dung bài.

Hãy nghe thử, một tác phẩm 90 câu lục bát thì không dưới 35 lần thi nhân cất tiếng nhớ. Trong số đó, 4 câu thơ đầu chiếm tới 4 từ nhớ. Điệp từ “nhớ” dàn đều từng câu thơ như trải khắp lòng người ở lại, lòng người ra đi và trở thành cảm xúc chủ đạo bao trùm toàn bài thơ.

Tóm lại, khổ thơ đầu tiên trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu thành công trong cả nội dung và nghệ thuật. Qua đó thể hiện tài năng, phong cách và tâm hồn nhà thơ. “Việt Bắc” đã khẳng định vị trí và tên tuổi Tố Hữu trong nền văn học hiện đại Việt Nam.

Theo wikisecret.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button