Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong bài thơ Tây Tiến
Dưới đây là bài phân tích hình tượng người lính tây tiến hay nhất thể hiện rõ được ý bài thơ cũng như vẻ đẹp người lính tây tiến mà wikisecret tổng hợp.
Video phân tích hình ảnh người lính tây tiến
Đề bài: Em hãy phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Bài làm
Hình ảnh về những người lính dường như là một nguồn cảm hứng bất tật đối với các nhà văn, nhà thơ. Trong những sáng tác viết về người lính không chỉ đơn thuần ngợi ca vẻ đẹp của họ mà còn có cả niềm kiêu hãnh và sự tự hào của tác giả ở trong đó. Bài thơ Tây Tiến cũng là một trong những tác phẩm như vậy. Ra đời trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bài thơ đã làm nổi bật được hình tượng người lính Tây Tiến anh dũng. Họ mang một vẻ đẹp vừa bi tráng lại vừa lãng mạn.
Thành lập năm 1947, binh đoàn Tây Tiến có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt – Lào. Vốn là những học sinh, sinh viên đến từ Hà Nội, những người lính Tây Tiến tụ họp về đây cùng chung một nhiệm vụ. Trong đấu tranh gian khổ, họ kề vai sát cánh bên nhau để cùng chống lại kẻ thù. Trong trận chiến sinh tử ấy, vẻ đẹp của những người lính hiện lên rõ nét. Mặc dù chiến tranh tôi luyện họ để học ngày một gai góc và gan dạ hơn nhưng bản chất những người lính trẻ vẫn giữ được sự mơ mộng, lãng mạn của chàng trai Hà Thành.
Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến
Quang Dũng cũng từng là một người chiến sĩ của binh đoàn Tây Tiến. Ông viết bài thơ này trong cảm xúc nhớ mong về mảnh đất anh hùng, về những người đồng đội đã coi nhau như ruột thịt. Chân dung người lính, người chiến sĩ Tây Tiến hiện lên ngày càng rõ nét thông qua nỗi nhớ ấy. Mặc dù ngòi bút có hơi hướng lãng mạn nhưng Quang Dũng không hề thoát li hiện thực. Vẻ đẹp của người lính hiện lên như một bức tượng đài trường tồn mãi với thời gian.
Hình ảnh những người lính Tây Tiến hiện lên đầy lạ lẫm với ngoại hình dữ dằn:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mặc dù lạ hóa ngoại hình của người lính nhưng vẻ ngoài ấy lại xuất phát từ hiện thực của chiến tranh. Ai đã từng đi lính, đã từng có người nhà đi lính và được nghe kể lại về những năm tháng chiến đấu gian khổ và khốc liệt ấy thì sẽ biết những cơn sốt rét rừng kinh khủng tới mức nào. Đoàn binh Tây Tiến không mọc tóc chính là vì hậu quả của những trận sốt rét rừng để lại. Vượt qua khó khăn, gian khổ, người lính vẫn giữ được nét oai hùm của mình. Tuy nhiên, ẩn đằng sau ngoại hình dữ oai hùm đấy là những tâm hồn lãng mạn, khí phách:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Hai câu thơ chứa đựng những ước mong của người lính. Họ mơ về Hà Nội và niềm mơ ước ấy lúc nào cũng trực trào dâng trong con mắt của người lính. Người lính cũng như bao người bình thường khác, họ cũng có ước mơ, cũng có khát khao về hạnh phúc. Tất cả họ đều có đích đến cuối cùng chính là niềm hạnh phúc. Dáng kiều thơm giống như một điểm tựa tiếp thêm sức mạnh và tinh thần cho người chiến sĩ để họ mạnh mẽ hơn trong tranh đấu và tin vào niềm tin chiến thắng.
Trong chiến tranh, cái chết là điều tất yếu. Quang Dũng không hề né tránh điều đó mà ông nhắc đến cái chết như một điều hết sức bình thường:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Rồi thì:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Cái cách mà Quang Dũng miêu tả về sự hy sinh của người lính thật đẹp. Chết không có nghĩa là chấm hết. Đối với Quang Dũng đó chỉ đơn giản là một sự nghỉ chân trước cuộc đời. Hy sinh mà vẫn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Khi một người lính ngã xuống, họ trao lại khát vọng và ước mong của mình cho đồng đội. Những người ở lại lại tiếp tục sống và chiến đấu thay phần của đồng đội mình. Câu thơ rải rác biên cương mồ viễn xứ với tính từ rải rác được đặt ở đầu câu cho thấy hiện thực tàn khốc của chiến tranh. Dường như ở đâu cũng là mồ chôn những người lính. Họ ngã xuống vì sự độc lập của Tổ quốc nhưng không ai cảm thấy hối hận vì điều đó. Câu thơ chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh càng làm cho hình ảnh người lính thêm đẹp.
Hình tượng người lính Tây Tiến giờ đây đã trở nên bất tử. Lịch sử gọi tên các anh, người đời nhớ đến các anh và sẽ còn ngợi ca về vẻ đẹp cũng như sự hy sinh cao cả của các anh. Các anh cũng chính là động lực thúc đẩy thế hệ thanh niên hôm nay đứng lên để dựng xây quê hương, đất nước.
Subin Lê