Phân tích giá trị biểu cảm của hai câu thơ trong đoạn văn bản ở tác phẩm Qua Đèo Ngang
Phân tích giá trị biểu cảm của hai câu thơ trong đoạn văn bản ở tác phẩm Qua Đèo Ngang
Hướng dẫn
Đề bài: Phân tích giá trị biểu cảm của hai câu thơ trong đoạn văn bản ở tác phẩm Qua Đèo Ngang “Lom khom dưới núi tiều vài chú – Lác đác bên sông chợ mấy nhà”.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm và hai câu thơ: Bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan là một bài thơ thất ngôn bát cú. Với giọng thơ trầm lặng, sâu lắng và nhẹ nhàng đã gợi lại tâm trạng của nữ sĩ danh tài lần đầu xa nhà đặt chân tới Đèo Ngang vào một buổi xế chiều
2. Thân bài
- Khung cảnh thiên nhiên trong hai câu thơ: khung cảnh hiện lên rất giản dị, mộc mạc và đơn thuần, đó là cảnh vài chú tiều đnag nhặt củi ở dưới chân núi, và ở bên sông kia rất vắng vẻ, chỉ có mấy nhà
- Giá trị biểu cảm việc sử dụng đảo ngữ: Bằng nghệ thuật đảo ngữ rất đặc sắc, tác giả không viết câu thơ theo cách thông thường mà lại viết ngược, tạo cho câu thơ đầy gợi cảnh
- Giá trị biểu cảm của các từ “lom khom”, “lác đác”: Từ “lom khom” là một từ tượng hình, gợi tư thế đang cúi người nhưng vẫn nhấp nhô để di chuyển, đó là động tác vừa đi vừa cúi nhặt củi của những người tiều phu.
- Khung cảnh cuộc sống con người nơi đây: Cả hai từ “lom khom” và “lác đác” đều đã nhấn mạnh được sự vất vả, lam lũ và nghèo đói của người dân nơi Đèo Ngang mà tác giả có dịp đến đây
3. Kết bài
Ý nghĩa của hai câu thơ: Thông qua hai câu thơ người đọc cũng có thể cảm nhận được một tâm hồn cô đơn, trống vắng trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của tác giả Bà Huyện Thanh Quan.
Bài viết liên quan đến bài thơ Qua Đèo Ngang:
>>Trình bày nội dung và nghệ thuật bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan
>>Trình bày cảm nghĩ về bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan
>>Phân tích bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan – Văn phân tích lớp 7 đặc sắc nhất
II. Bài tham khảo
Bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan là một bài thơ thất ngôn bát cú. Với giọng thơ trầm lặng, sâu lắng và nhẹ nhàng đã gợi lại tâm trạng của nữ sĩ danh tài lần đầu xa nhà đặt chân tới Đèo Ngang vào một buổi xế chiều. Không gian nơi đây khiến cho ai nghe qua cũng có cảm giác buồn man mác, đặc biệt được thể hiện rõ nhất trong hai câu thơ:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Hai câu thơ nằm ở phần tác giả tập trung tả khung cảnh ở Đèo Ngang, khung cảnh hiện lên rất giản dị, mộc mạc và đơn thuần, đó là cảnh vài chú tiều đnag nhặt củi ở dưới chân núi, và ở bên sông kia rất vắng vẻ, chỉ có mấy nhà. Bằng nghệ thuật đảo ngữ rất đặc sắc, tác giả không viết câu thơ theo cách thông thường mà lại viết ngược, tạo cho câu thơ đầy gợi cảnh. Nếu viết theo cách thông thường câu thơ có thể viết là: Vài chú tiều lom khom dưới núi – Mấy nhà chợ lác đác bên sông. Nhưng không, tác giả đã viết ngược, đẩy các tính từ miêu tả hoạt động và trạng thái lên đầu câu.
Đó là một phong cách diễn đạt ấn tượng mà tác giả chọn để miêu tả nổi bật cảnh tượng cũng như cuộc sống nơi đây. Từ “lom khom” là một từ tượng hình, gợi tư thế đang cúi người nhưng vẫn nhấp nhô để di chuyển, đó là động tác vừa đi vừa cúi nhặt củi của những người tiều phu. “tiều vài chú” hay “vài chú tiều” ý chỉ số lượng ít, chỉ có vài người, gợi một cảnh đìu hiu, hoang vắng. Hình ảnh đó còn mang ý nghĩa gợi lên cuộc sống lam lũ của con người nơi đây, cảnh đèo hoang vu, người dân phải lam lũ, vất vả lao động, bán mặt cho đất bán lưng cho trời để kiếm sống trên mảnh đất này.
Khi đọc đến câu thơ này, người đọc sẽ không khó để cảm nhận nỗi niềm đồng cảm của nhà thơ, giọng thơ dường như trầm lắng xuống, nhuốm một màu buồn man mác. Trong câu thơ thứ hai, từ “lác đác” cũng được đẩy lên đầu câu, là một từ có sức gợi rất tinh tế, nó chỉ sự vắng vẻ, thưa thớt và nhỏ bé của những nhà chợ. Chỉ bằng một câu thơ nhưng đã vẽ nên khung cảnh hoang vắng, tiêu điều của nơi đây. Chợ là nơi thể hiện đời sống kinh tế của người dân, là bộ mặt của đời sống con người một vùng, một khu dân cư. Chợ vắng vẻ, thưa thớt ấy là đồng nghĩa với nghèo đói và khổ cực, lam lũ. Cả hai từ “lom khom” và “lác đác” đều đã nhấn mạnh được sự vất vả, lam lũ và nghèo đói của người dân nơi Đèo Ngang mà tác giả có dịp đến đây.
Cả bài thơ “Qua Đèo Ngang” nói chung và hai câu thơ trên nói riêng đã thể hiện được cảnh vật và đời sống con người nơi Đèo Ngang một cách đầy chân thực, đồng thời đã bộc lộ cảm xúc bâng khuâng, dào dạt trong tâm hồn nhà thơ. Thông qua hai câu thơ người đọc cũng có thể cảm nhận được một tâm hồn cô đơn, trống vắng trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê
hương của tác giả Bà Huyện Thanh Quan.
Theo wikisecret.com