Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ | Văn mẫu

Hướng dẫn

(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

(Bài văn phân tích của bạn Nguyễn Mai Lan lớp 11A1 trường THPT Lê Lợi)

BÀI LÀM

Những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh, Hàn Mặc Tử nhận được bức thư của Hoàng Thị Kim Cúc – nàng thơ thời trẻ của Hàn. Bức thư gửi kèm một tấm ảnh chụp cảnh xứ Huế, có thuyền và người con gái đang chèo đò. Chính bức ảnh đã gợi cảm hứng cho nhà thơ viết lên bài “Đây thôn Vĩ Dạ”. Bài thơ đã khắc họa bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, trong sáng trong ký ức thi nhân.

Hàn Mặc Tử là cây bút “lạ” nhất trong những cái tôi độc đáo của phong trào thơ Mới lãng mạn 1930 – 1945. Thơ Hàn Mặc Tử là sự góp nhặt nỗi đau đời, nỗi đau của tâm hồn và những dự cảm bất an về hạnh phúc. Tuy vậy thế giới nghệ thuật mà Hàn Mặc Tử phản ánh vẫn có màu sắc trong sáng, tinh khôi, đầy mời gọi biểu tượng cho thế giới tươi đẹp đáng sống. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử đã thể hiện bức tranh thiên nhiên tuyệt vời đó. Đặc biệt, bức tranh này được phản ánh rất rõ trong hai khổ thơ đầu bài thơ.

Vĩ Dạ trong ký ức của Hàn Mặc Tử đẹp vô cùng trong ánh bình minh:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Bức tranh thiên nhiên chủ yếu xoay quanh điểm nhìn thôn Vĩ. Vĩ Dạ là một trong những ngôi làng nhỏ nhắn, xinh đẹp nằm bên bờ sông Hương thơ mộng. Vĩ Dạ có những ngôi nhà ẩn hiện sau vườn cảnh, hàng cau. Vĩ Dạ trong bài thơ tựa như “vườn mơ, bến tình” đầy mời gọi. Thứ đầu tiên ta bắt gặp ở Vĩ Dạ “nắng”. Nắng tượng trưng cho những tinh túy của trời đất, là nguồn sống dạt dào và vĩnh cửu. Nắng cũng là hình tượng ám ảnh trong thơ Hàn.

“Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”

Nắng trong thơ Hàn đa sắc thái, rực rỡ và đầy tình tứ. Trong bài thơ, nắng tiếp tục được khắc họa ở những sắc thái khác nhau. Một dòng thơ có những hai từ “nắng”, cũng chỉ có mỗi nắng thôi mà Hàn dùng tới 6 tiếng để tả. “nắng mới” bổ sung cho “nắng hàng cau” để khắc họa bức tranh thiên nhiên đầy kì vĩ. Khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện, chiếu qua kẽ lá cau chạm tới những chiếc lá non ở phía dưới mặt đất tạo nên màu xanh ngọc non tơ. Từ “mướt quá” cực tả trạng thái mượt mà, non tơ, óng chuốt của thiên nhiên. Thôn Vĩ thật đẹp, đẹp như một viên ngọc lồ vừa ngời sắc xanh vừa tỏa vào ban mai những ánh sáng lấp lánh. Ta bỗng hiểu tại sao nhà thơ lại khao khát về Vĩ Dạ đến như vậy.

Sau khi ngất ngây với cảnh sắc vườn Vĩ, Hàn Mặc Tử trở về cùng dòng Hương Giang vắng lặng. Bức tranh thiên nhiên bỗng nhuộm màu dự cảm bất an

“Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Bức tranh thiên nhiên vẫn là những thi liệu quen thuộc như gió, mây, dòng nước, thuyền, bến… nhưng được Hàn Mặc Tử thể hiện thật độc đáo. Theo quy luật thông thường, gió và mây cùng chiều. Tuy nhiên hai thực thể trong bài thơ lại ở trạng thái không tương ứng. Nhịp thơ 4/3 tạo bức tường ngăn cách hai đối tượng thành hai khuôn nhịp riêng biệt khiến trong mây và gió như bị tách rời riêng rẽ. Nỗi mặc cảm có sức mạnh ghê gớm đến mức nó còn lan tỏa cả vào dòng Hương Giang “buồn thiu”. Nỗi buồn giăng đầy lên vạn vật lây cả sang hoa bắp. Hoa bắp thật đáng thương, nó cũng như thi sĩ cô quạnh nơi Gò Bồi, Xóm Tấn. Cả trời, cả mây, cả gió lần lượt rời bỏ hoa bắp. Một mình kiếp hoa bắp côi cút bên sông. Không gian còn được thi sĩ mở thêm ra với ánh trăng. Ánh trăng cũng là hình ảnh ám ảnh trong thơ Hàn. Không gian toàn một màu trăng: dòng sông trăng, bến đò trăng, con thuyền chở đầy trăng. Thế nhưng “thuyền ai” chở trăng hạnh phúc lại chẳng rõ ràng. Bến lặng lẽ một mình đợi trăng mãi, cùng sóng nước nhập nhằng ánh trăng hỏi mãi câu: Bao giờ thuyền mới về tới bến?

Tuy rằng thiên nhiên Vĩ Dạ hiện lên qua lăng kính mặc cảm của thi sĩ song nó vẫn giữ được nét tinh khôi, thơ mộng của xứ Huế. Những hình ảnh thơ độc đáo, đẩy sức gợi và sáng tạo trong ngôn ngữ, hình ảnh đã chứng minh cho tài năng và phong cách nghệ thuật của Hàn Mặc Tử. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” góp thêm nền lời ca ca ngợi vẻ đẹp cho non sông đất nước Việt Nam.

>>> XEM THÊM:

  • phân tích bài thơ chiều tối của hồ chí minh

  • phân tích bài thơ tràng giang của

  • bình giảng bài thơ đây mùa thu tới

Theo wikisecret.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Check Also
Close
Back to top button