Phân tích bài thơ Thương Vợ | Làm văn mẫu
Hướng dẫn
(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy phân tích bài thơ Thương Vợ của nhà thơ Tú Xương
(Bài phân tích tác phẩm văn học của bạn Nguyễn Thị Hạnh lớp 11C2 trường THPT chuyên Hưng Yên)
BÀI LÀM
Để chọn một thi phẩm xuất sắc nhất, tôi không có câu trả lời. Nhưng, để chọn một thi phẩm ấn tượng nhất, tôi xin chọn “Thương vợ” của Tú Xương. “Thương vợ” độc đáo ở chỗ giãi bày tình cảm của một ông chồng có phần “vô công rồi nghề” về người vợ đảm đang, chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh. Bài thơ nhân văn ở chỗ đã ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ, bênh vực họ và lên án chế độ thối nát.
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:
Có chồng hờ hững cũng như không!”
Tú Xương hay Trần Tế Xương (1870-1907) là người con mảnh đất Nam Định nghèo khó nhưng giàu ý chí nghị lực. Cuộc đời Tú Xương rơi vào bi kịch của một trí sĩ khao khát thành danh nhưng chế độ xã hội bất công phủ nhận tài năng. Ứng thí 8 lần mà chỉ đỗ được tú tài, Tú Xương chán nản trở về quê dạy học và sáng tác. Bài thơ “Thương vợ” ra đời trong hoàn cảnh này. Bài thơ xoay quanh cuộc sống vất vả, chuân chuyên của bà Tú – vợ Tú Xương khi gánh vác trên vai mối lo “cơm áo gạo tiền” của đại gia đình. Qua đó, Tú Xương thể hiện nỗi hổ thẹn và bất lực trước gia cảnh và rộng hơn là trước chế độ xã hội bấy giờ.
Bốn câu thơ đầu bài thơ là những thông tin cơ bản về công việc kiếm sống của bà Tú:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”
Ta thấy một chân dung bà Tú đang rơi vào vòng tuần hoàn của công việc. Công việc ấy kéo dài từ ngày tới đêm, từ năm này qua năm khác và từ nơi nơi “quãng vắng” tới chỗ “buổi đò đông”.
Bà Tú như cái bóng đen chới với giữa những “mom sông”, “quãng vắng”, “mặt nước”, đều là nơi đầu sóng ngọn gió, nước vây bủa, chỉ một chút sơ sẩy là có thể sa chân ngã. Bà Tú có khác nào một “thân cò”, một “dải lụa đào”, một “củ ấu gai”… ta từng nghe trong câu ca dao xưa?
Cụ thể hơn về công việc của bà Tú, ta thấy tác giả nhắc đến “buôn bán”. Công việc này đòi hỏi một người phụ nữ “vốn con nhà dòng” như bà Tú phải bon chen nơi có đủ mọi loại người, phức tạp và xô bồ. Ấy vậy mà bà Tú giỏi! Bà Tú có thể “nuôi đủ”, không thừa, không thiếu cả đại gia đình “năm con với một chồng”. Nuôi một đứa con đã là khó, nay nuôi cả thảy năm đứa lớn nhỏ. Vất vả lắm thay! Song, vất vả hơn nữa là, người chồng chí khí thanh khiết kia không những không thể chia sẻ nỗi vất vả mà còn trở thành cái “nợ đời” với bà Tú. Chữ “nuôi đủ” và cách dùng số từ “năm” – “một” cho thấy nỗi hổ thẹn khốn cùng của tác giả trước người vợ của mình.
Bốn câu trong phần sau của bài thơ sau, Tú Xương giải tỏa nỗi bất bình thay cho bà Tú bằng mấy câu cửa miệng:
“Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:
Có chồng hờ hững cũng như không!”
Nói về đặc sắc nghệ thuật, đoạn thơ nổi bật với cách vận dụng sáng tạo thi liệu dân gian. Câu thơ vừa quen vừa lạ được khỏi gợi cảm hứng từ những câu ca dao, dân ca xưa như “Hai sương một nắng”, như “Một duyên, hai nợ, ba tình/Chiêm bao lẩn quất bên mình năm canh”…
Khác với thi liệu dân gian, Tú Xương khéo léo nhấn mạnh rõ hơn nỗi vất vả của bà Tú thông qua phương thức nhân đôi số từ “một” và “hai” và “năm” và “mười” cho “mưa” và “nắng”, “duyên” và “nợ”. Vất vả là thế, nhưng tấm lòng bà Tú thì “âu đành”, “dám quản”, luôn nhẫn nhịn và hi sinh. Điều này càng làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách cao cả của nhân vật.
Cuối cùng, tiếng chửi thề “cha mẹ thói đời” là oán hận sâu sắc của tác giả trước chế độ xã hội nhiễu nhương, suy đồi khiến con người dần bị biến chất.
Bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương thành công về cả nghệ thuật khi sáng tạo ngôn từ, giọng thơ hài hước sâu cay. Bài thơ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ cũng phê phán sâu sắc xã hội bấy giờ. Những trăn trở trong lòng Tú Xương đã chứng minh một nhân cách cao cả và tâm hồn giàu tình nhân ái.
>>> XEM THÊM:
-
phân tích tâm trạng của hồ xuân hương trong tự tình 2
-
phân tích bài thơ thu điếu
-
phân tích nhân vật tnú trong truyện ngắn rừng xà nu
Theo wikisecret.com