Phân tích bài Độc Thanh Ký của Nguyễn Du

Phân tích bài Độc Thanh Ký của Nguyễn Du
Hướng dẫn
Phân tích bài Độc Thanh Ký của Nguyễn Du
Tương truyền Tiểu Thanh là một cô gái Trung Quốc có tài và có sắc, sống khoảng đầu thời Minh. Vốn thông minh nên từ nhỏ cô đã thông hiểu nhiều môn nghệ thuật như thi ca, âm nhạc. Năm 16 tuổi, cô làm vợ lẽ một nhà quyền quý. Những tưởng sẽ được sống cuộc sống hạnh phúc, ấm êm, sung túc đủ đầy nhưng thật bất hạnh khi người cả lại là người hay ghen, bắt cô phải sống riêng một mình trên Cô Sơn, cạnh Tây Hồ. Vì đau buồn, cô sinh bệnh rồi chết ở tuổi 18 – cái tuổi đang độ thanh xuân tràn trề, đang dạt dào bao lý tưởng, ước mơ. Nhưng cuộc đời bất hạnh là lòng người nghiệt ngã đã giết chết một cô gái tài hoa mà bạc mệnh. Bao nhiêu nỗi uất ức, đau khổ được cô gái gửi vào thơ nhưng nhiều bài đã bị người vợ cả đốt. May mắn còn sót lại một số bài và được người sau gìn giữ, đặt tên là Phần dư. Ba trăm năm sau, Nguyễn Du – một nhà thơ luôn có tấm lòng xót thương cho số phận bất hạnh của những người phụ nữ tài sắc đã bắt gặp được những bài thơ đoản mệnh ấy. Nỗi đau của Tiểu Thanh chạm đến trái tim thương cảm sâu sắc của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Ông đặt bút và nước mắt tuôn trào, những tiếng nấc nghẹn ngào, xót xa bật ra khỏi đầu bút và ông viết lên những vần thơ mang tên “Độc Tiểu Thanh Kí”.
Nhan đề bài thơ có hai cách hiểu: một là đọc tập thơ của Tiểu Thanh, hai là Tiểu Thanh Kí, nghĩa là câu truyện viết về nàng Tiểu Thanh. Dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa, đây cũng là tiếng lòng đồng cảm, xót thương của Nguyễn Du tới một cuộc đời bất hạnh, khổ đau, một nữ giai nhân có tài có sắc nhưng số phận hẩm hiu, nghiệt ngã.
Lòng buồn, nước mắt rơi, nên vần thơ cũng đượm buồn da diết:
“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chi thư.”
Dịch thơ:
“Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn”
“Cảnh đẹp” nhưng lòng người nặng trĩu những buồn đau. “Cảnh đẹp” nhưng cuộc đời bi thảm không cho phép người con gái tài sắc mang tên Tiểu Thanh ấy được vui vầy với tuổi xuân. Vườn hoa nơi nàng sống lẽ ra sẽ là nơi cho nàng đón những tia nắng bình minh tinh khiết và rong chơi trong những buổi hoàng hôn diệu kỳ. Nhưng không, cuộc đời nàng lại là một dấu chấm than ngắn ngủi khi vườn hoa ấy chính là “gò hoang”, là nơi chôn cất thân xác nàng khi tuổi vừa mới sang xuân. Nỗi đau ấy, khiến cho lòng Nguyễn Du phải “thổn thức” khi đọc được những vần thơ ai oán, sầu bi. “Gò hoang”, “mảnh giấy tàn” đều là những từ ngữ gợi lên sự buồn thương da diết, khôn nguôi. Dường như nhà thơ muốn chạm tay vào quá khứ, muốn kéo nàng Tiểu Thanh ra khỏi cảnh u uất ấy, nhưng ngăn cách quá lớn, ông chỉ còn biết gửi lòng mình về miền quá khứ xa xôi ấy, để đồng cảm và để khóc cùng người con gái bạc mệnh, khổ đau:
“Chi phấn hữu thần liên từ hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư”
Dịch thơ:
“Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương”
Một cô gái chưa tròn hai mươi đã phải chịu quá nhiều ấm ức và đơn đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Có tài, có sắc, nhưng lại không được hưởng một cuộc sống hạnh phúc mà phải sống cô đơn, hiu quạnh. Ngày đêm nàng chỉ còn biết làm bạn với son phấn, với những vần thơ ai oán đớn đau. Lòng người vô tâm vô cảm đã đẩy nàng vào cảnh sống lẻ loi và hiu quạnh. Cùng là thân phận phụ nữ, sống cùng thời, cùng chế độ phong kiến nam quyền nhưng vì lòng ích kỷ, người vợ cả ghen tuông, không cho nàng được sống một cuộc sống bình yên. Thậm chí, lúc chết rồi, những vần thơ là tiếng lòng của nàng cũng bị bà ta đốt. Cũng may còn xót lại một số bài, để đến thời điểm này, khi Nguyễn Du bắt gặp, trái tim ông dường như muốn tan chảy vì số phận hẩm hiu của người con gái xấu số. Và rồi, ông nghĩ đến những cuộc đời bất hạnh khác, cũng tài hoa, nhưng cũng nhận lại một kết cục bi thảm không khác gì Tiểu Thanh.
“Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư”
Dịch thơ:
“Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.”
Đồng cảm với Tiểu Thanh, với mối hận trong lòng nàng, một mối hận có hỏi trời, trời cũng không thấu. Và mỗi hận ấy đâu chỉ riêng nàng, mà còn có Đỗ Phủ, có Khuất Nguyên. Họ cũng là những người tài hoa mà bạc mệnh. Có lẽ lúc này tác giả đang suy tư lắm, buồn đau lắm khi không thể làm gì giúp cho những số phận bất hạnh ấy vượt lên trên hoàn cảnh của mình. Mọi thứ dồn nén trong lòng ông, được tuôn trào ra khỏi đầu ngọn bút, viết lên thành những vần thơ não nề, ảm đạm. Ông muốn hỏi trời, trời không thấu nhưng ai cũng hiểu rằng, số phận của nàng Tiểu Thanh và của những người cùng cảnh với nàng là do chế độ phong kiến bất nhân bất nghĩa mang lại, do người đời vô tâm, ích kỷ hẹp hòi đã đẩy đồng loại của mình vào cảnh sống điêu tàn, cô liêu.
Và rồi, nhà thơ cũng tự nhìn lại mình mà than rằng:
“Bất tri tam bách, dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
Dịch thơ:
“Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?”
Khóc cho Tiểu Thanh của ba trăm năm về trước, và rồi nhà thơ tự khóc cho mình trong hiện tại. Ông thấy cô đơn, một nỗi niềm riêng lẻ. Và liệu rằng ba trăm năm sau, có ai khóc mình như mình đang khóc Tiểu Thanh không? Dường như nỗi đau đang gặm nhấm, đang xâm chiếm tâm hồn nhà thơ. Khiến ông phải tự thốt lên rằng: “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”.
Bài thơ khép lại, nhưng nỗi lòng của Nguyễn Du vẫn còn đó, còn mãi trên từng trang sách, trang thơ mà các thế hệ học sinh ngày hôm nay đang học hiểu. Đọc thơ của Tiểu Thanh, khóc cho Tiểu Thanh nhưng cũng là khóc cho chính số phận của mình, của những người có tài mà bất hạnh. Qua đó cũng nói lên một phương diện quan trọng trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du: xót xa cho những giá trị tinh thần bị chà đạp.
Theo wikisecret.com