Giải thích câu ca dao: Có làm mới có ăn. Không dưng ai để đem phần đến cho

Giải thích câu ca dao: Có làm mới có ăn. Không dưng ai để đem phần đến cho

Bài làm

Từ xa xưa cuộc sống của chúng ta đã vận hành theo những quy luật nhất định, trong đó con người lao động để tạo ra của cải vật chất, phục vụ cho nhu cầu của chính mình trong xã hội, nhưng bên cạnh đó lại có những bộ phận không làm gì nhưng muốn có cuộc sống đầy đủ, ấm no. Do đó nhân dân ta đã có câu:

“Có làm thì mới có ăn

Không dưng ai để đem phần đến cho”

  Thật vậy, lời dạy được đúc kết từ kinh nghiệm trong cuộc sống của ông cha ta, giá trị vật chất không tự nhiên mà đến với mỗi người, tất cả đều phải trải qua lao động, có làm thì mới ăn. Công việc của mỗi người là khác nhau, dù là lao động chân tay hay là lao động trí óc đều sẽ tạo ra của cải vật chất phục vụ cho bản thân, vận hành bộ máy xã hội và đối với mỗi người chăm chỉ làm việc thì thứ mà họ được nhận lại là xứng đáng đối với công sức mà họ đã bỏ ra, vì vậy sẽ không ai đem sản phẩm lao động của mình cho không bất cứ người nào.

giai thich cau ca dao co lam moi co an khong dung ai de dem phan den cho - Giải thích câu ca dao: Có làm mới có ăn. Không dưng ai để đem phần đến cho

  Trong xã hội cũ càng làm cho lời dạy trở nên có sức mạnh hơn bao giờ hết, một xã hội mà người dân ta bị áp bức bóc lột, một xã hội mà con người phải làm không công, làm việc trong một môi trường thiếu thốn đủ thứ, sức người bị vắt cạn kiệt. Lời dạy vừa là triết lí sâu sắc đối với con cháu sau này, vừa lật tẩy bộ mặt tàn ác của giai cấp bóc lột, chúng dùng vũ lực để chiếm đoạt của cải của người dân, đạp lên mồ hôi nước mắt của con người lao động để sống một cuộc sống giàu sang, an nhàn. Bên cạnh đó nhân dân ta cũng muốn nói lên khát khao cháy bóng của mình đó là công bằng, bình đẳng trong xã hội.

  Lời dạy đó còn tồn tại và duy trì cho tới ngày nay, khi mà tất cả mọi thứ đều phát triển, thời đại của công nghệ lên ngôi, con người không muốn bị tụt lùi lại phía sau cần hăng say lao động hơn bao giờ hết, vận dụng hết khả năng của mình để chiếm lĩnh tri thức, câu nói còn hướng chúng ta tới lối sống chân thành, mộc mạc, giản dị dạy chúng ta biết quý trọng những người lao động, yêu cuộc sống mà mình đang có, chăm chỉ làm việc từ chính sức lao động của bản thân mới tạo ra giá trị bền vững lâu dài.

Mỗi người đều có một công việc, nghề nghiệp riêng, không ai giống ai, người nông dân tạo ra lúa gạo, nhà giáo dùng kiến thức kĩ năng của mình vun đắp những mầm non của đất nước…Tất cả cùng lao động, cùng góp phần vào phát triển đất nước từng ngày. Đâu đó trong xã hội ngày nay vẫn tồn tại những con người phụ thuộc vào người khác, phụ thuộc vào tình thương của xã hội, hình ảnh bà mẹ giả bệnh tật bế đứa con bị tiêm thuốc ngủ ăn xin ở ngã tư không còn quá xa lạ đối với mỗi người, hình ảnh những con người lợi dụng lòng tin của người khác để lừa đảo, tất cả họ đều là những người có suy nghĩ không muốn lao động mà vẫn muốn có ăn, suy nghĩ tiêu cực đó chỉ phản ảnh lên bản chất bên trong con người họ, sự lười biếng, yếu đuối, sợ vất vả, không dám đương đầu với thử thách, một bộ phận đáng bị lên án sâu sắc.

  Lời dạy có ý nghĩa từ xa xưa cho tới ngày nay và sẽ còn là lời răn đối với thế hệ sau này, là bài học dạy chúng ta trân trọng công việc mà mình đang có, yêu lao động, sống dựa vào năng lực bản thân chứ không phải dựa vào người khác, tự bản thân mỗi người hãy trở thành người có ích cho xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button