Em Hãy Phân Tích Bài Thơ Thương Vợ Lớp 11 Của Trần Tế Xương

Dưới đây là bài phân tích thương vợ lớp 11 được thực hiện bởi bạn học sinh giỏi của wikisecret mà mình mới cập nhập hy vọng sẽ mang lại cho bạn một bài làm thật tốt.

Video phân tích bài thơ thương vợ lớp 11

Đề bài: Em hãy phân tích thương vợ lớp 11 của Trần Tế Xương

Bài làm

Nói đến thơ trào phúng trong thế kỉ XIX, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều nghĩ đến những vần thơ của Nguyễn Khuyến, Học Lạc, Tú Quỳ, Nhiêu Tâm,… Và Tú Xương (Trần Tế Xương) cũng là một trong số đó. Tuy tuổi đời ngắn ngủi nhưng Tú Xương đã để lại cho dời một sự nghiệp thơ ca bất tử. Ông sáng tác chủ yếu là thơ trữ tình và thơ trào phúng. Đặc biêt Tú Xương có cả một mảng thơ, văn tế, câu đối viết về vợ. Thương vợ là một trong những bài thơ hay nhất của Tú Xương khi viết về bà Tú.

Bà Tú – vợ của Tú Xương hơn tác giả một tuổi, vốn là con một trong gia đình nho giáo nên từ nhỏ đã không phải chịu cảnh chân lấm tay bùn. Trong bài Văn tế sống vợ Tú Xương từng viết: “Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo, rằng lùn”. Nhưng kể từ khi bà lấy Tú Xương lại phải chịu nhiều vất vả, gian truân, lặn lội buôn bán kiếm sống để nuôi chồng, nuôi con. Tuy nhiên cuộc đời bà lại có được tất cả tinh yêu thương, trân trọng từ ông Tú mà hiếm người phụ nữ trong Xã hội Phong kiến có được.

Tình thương vợ sâu nặng được tác giả thể hiện qua sự thấu hiểu nỗi vất vả, gian truân và những đức tính cao đẹp của bà Tú. Trong bài thơ, bà Tú hiện ra rất chân thực với cuộc sống lam lũ, vất vả:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.”

Ngay câu thơ đầu, tác giả dã nói nên hoàn cảnh nơi bà Tú buôn bán: mom sông. Câu thơ vào đề thật tự nhiên như một lời giới thiêu, lại như một bối cảnh bà Tú tảo tần tất bật ngược xuôi buôn bán. Sự vất vả, lam lũ của người phụ nữ ấy được gợi lên thông qua cách nói thời gian “quanh năm”. “quanh năm” nghĩa là suốt cả ngày, hết năm này đến, liên tiếp đến chóng mặt. Thời gian đã vậy nhưng nếu không gian mà thanh bình, thuận lợi thì cũng không đáng để nói. Thế nhưng bà Tú lại tất tả ngược xuôi buôn bán quanh năm ở chỗ “mom sông” – phần đất ở bờ sông nhô ra giữa dòng sông – nơi buôn bán vô cùng chênh vênh, nguy hiểm. Cái công việc nặng nề ấy dường như theo đuổi bà Tú suốt cả đời, bởi nó chẳng làm cho bà khá hơn lên. Công việc thì nhọc nhằn, thu nhập thì ít ỏi, nhưng bà Tú lại phải lo lắng cho cả một gia đình sáu miệng ăn. Hơn nữa, không phải là sáu mà là “năm con với một chồng”, “Năm con” là số nhiều, nhưng dù sao cũng chịu được, lo cho chúng chỉ cần bát cơm, manh áo. Nhưng ông chồng, là “một”, nhưng là chi phí bằng cả năm đứa con kia. Có khi còn hơn thế nữa! Mỗi khi ông lều chõng đi thi, tiền lưng gạo bị lại đổ lên đầu vợ, chưa nói đến khi đồng chè đồng rượu,… Nhiều khoản chi như thế nhưng lúc nào bà cũng lo “đủ”. Thật là đảm đang tháo vát biết chừng nào, chiều chồng biết chừng nào!

Được cái tiếng thơm ấy, thật không dễ dàng gì, bà Tú phải đổi bằng biết bao công sức:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”

Câu thơ gợi hình ảnh con cò trong những câu ca dao quen thuộc:

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.”

Hình ảnh về một loài chim hiền lành, chăm chỉ âm thầm nhặt nhạnh, kiếm ăn nơi ruộng lúa, bãi sông đã trở thành biểu tượng về những người phụ nữ lam lũ suốt đời vì chồng, vì con, chẳng mấy khi nghĩ đến bản thân mình.Thấm thía nỗi vất vả, gian lao của vợ, Tú Xương đã mượn hình ảnh con cò- biểu tượng trong ca dao xưa để nói về bà Tú. Khi vận dụng hình ảnh, ngôn ngữ văn học dan gian, Tú Xương đã có những sáng tạo độc đáo. Nếu ca dao nói đên sự vất vả của người phụ nữ thương chồng là:

“Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.”

thì Tú Xương nói đến sự lam lũ của vợ chân thực và sâu sắc hơn: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng”. Như vậy, “con cò’ trong thơ của tác giả không chỉ xuất hiện giữa cái rợn ngợp của không gian mà còn có sự rợn ngợp của thời gian. Chỉ với ba tiếng “khi quãng vắng”, Tú Xương đã nói lên cả thời gian lẫn không gian heo hút, chứa đầy lo âu, nguy hiểm. Trong thơ Tú Xương, không phải là “con cò” mà là “thân cò”. Không còn là một con vật cụ thể mà là thân phận, số phận, một cái gì rất mỏng manh, nhỏ bé trước cuộc đời. Yếu đuối quá, bị động quá mà luôn phải lăn lộn, bươn chải. Khi quãng vắng thì lặn lội; buổi đò đông thì chịu cảnh eo sèo. Hai tính từ được đối nhau ở đầu hai câu thơ vừa giàu tính tạo hình, vừa giàu tính biểu hiện. Kia một người phụ nữ gầy yếu như thân cò, gánh nặng trên vai, một thân một mình, bước trầy trật trên con đường lầy lội. Hàng cất về rồi, tránh mưa gió thì mất tiền, nên phải lặn lội ra đi. Và kia nữa cũng thân cò ấy lại phải xù lông xù cánh chao chát, cãi cọ tranh mua tranh bán, tranh xuống cho kịp đò, tranh lên cho kịp chợ. Hai câu thơ tuy đối nhau về từ ngữ(khi quãng vắng/ buổi đò đông) nhưng lại tiếp nhau về ý nghĩ để làm nổi bật sự vất vả, gian truân của bà Tú: một mình đơn chiếc, tất tưởi trong công việc lại luôn có sự nguy hiểm rình rập. Hai câu thơ không chỉ nói lên thực cảnh của bà Tú mà nó còn cho ta thấy được thực tình của ông Tú qua tấm lòng cảm thông, xót thương da diết đối với vợ mình.

Duới ngòi bút của người chồng luôn biết ơn sâu sắc với vợ, bà Tú không những hiện lên với cuốc sống lam lũ vất vả mà còn có những đức tính cao quý. Bởi gian nan vất vả, gánh nặng đè lên đôi vai nhỏ bé của mình thế nhưng bà Tú vẫn không oán trách nửa lời. Tú Xương lại một lần nữa thể hiện sự cảm phục sự quên mình của vợ thông qua hai câu luận:

“Một duyên hai nợ âu đành phận,

Năm nắng mười mưa dám quản công.”

Theo quan niệm phong kiến xưa, “duyên” và “nợ” là hai định nghĩa hết sức thiêng liêng về mối quan hệ vợ chồng do trời định sẵn, xuất phát từ số phận, từ sợi chỉ hồng của ông Tơ bà Nguyệt:

“Kiếp người sao mãi long đong,

Ông tơ bà Nguyệt chỉ hồng se duyên.”

Thế nhưng khi đi vào lời thơ của một bậc thức giả dày dặn kinh nghiệm như Tú Xương, định nghĩa đó dường như đã đánh mất đi tính chất quyền quý của mình mà trở nên nặng nề vô cùng như một lời than thở khi “duyên” thì chỉ có một mà “nợ” lại hai:

“Chồng gì anh, vợ gì tôi,

Chẳng qua là cái nợ đời chi đây.”

(Ca dao)

Bên cạnh đó, cách sử dụng hai thành ngữ xưa song song với nhau “Một duyên hai nợ” – “năm nắng mười mưa” vừa đối nhau về từ: “một” – “hai”, “năm” – “mười”, vừa đối nhau về ý đã không những khiến cho nhà thơ bỗng trầm lắng trước nỗi khổ tâm chồng chất ngày một dâng lên theo cấp số nhân của bà Tú mà còn thể hiện rất rõ tài năng văn chương điêu luyện của thi sĩ khi biết vận dụng triệt để giá trị của các thành ngữ cùng các con số mộc mạc để thiêng liêng hóa hình ảnh bà Tú. Có thể nói, dẫu có khó khăn muôn trùng, chông gai trước mắt, “nợ” nghiêng về mình nhưng bà Tú chưa một lần chùn bước mà chỉ gật đầu nhẫn nhục cho qua và ba tiếng đối ứng thượng, hạ: “âu đành phận”, “dám quản công” đã thể hiện được điều đó. Nguyên nhân dẫn đến sự cần cù, âm thầm đầy cam chịu của bà Tú tuy giản đơn nhưng cũng rất cao quý: đó là vì mối nhân duyên thiên định và vì tương lai của đàn con nhỏ. Quả là một người mẹ, người vợ giàu đức hi sinh!

Chắc hẳn khi nói như vậy về vợ, ông Tú phải là người rất biết yêu thương, quý trọng vợ có thế mới thấy được công việc của bà Tú là vất vả, mới thấy được bà là người tần tảo, cam chịu, đảm đang, tháo vát. Và ông có những biểu hiện “hờ hững” với vợ sở dĩ là do” thói đời” bạc bẽo:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không.”

Lời thơ không như là tiếng chửi mà là chửi thật: “Cha mẹ thói đời…”. Đây không phải là người vợ chịu nhiều vất vả thiệt thòi chửi mà người chồng tự chửi mình đấy thôi. Chữ “hờ hững” nghe sao mà chua chát. Bà Tú lấy phải một ông chồng bạc bẽo, chẳng giúp gì cho gia đình, cho vợ, chẳng làm được trụ cột lại còn để vợ phải nuôi. Thật là có chồng mà như không có, thậm chí còn khổ hơn không chồng. Hai câu thơ khép lại tác phẩm là lời tự rủa mát mình của Tú Xương nhưng lại mang đậm ý nghĩa lên án xã hội sâu sắc góp phần khẳng định tình cảm của ông đối với bà Tú là vô bờ bến. Người chồng ấy tuy “ăn lương vợ” nhưng không hề “ở bạc”, “hờ hững” mà rất chu đáo, luôn dõi theo từng bước đi của bà trên đường đời và đặc biệt là luôn bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với vợ. Thi phẩm kết thúc thật bất ngờ: vừa thấm đượm cái bi, cái bất hạnh trong niềm riêng của tác giả, lại vừa dí dỏm, hài hước.

Nói tóm lại, bài thơ Thương vợ là một thi phẩm mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Với chất thơ bình dị mà trữ tình pha chút trào phúng, Tú Xương đã không những khắc họa nên một bức chân dung tuyệt đẹp về người vợ tảo tần, chịu thương chịu khó của mình mà còn thể hiện vẻ đẹp trong nhân cách của bản thân và hình ảnh bà Tú cần mẫn, đầy lo toan đó chính là hình ảnh đẹp đẽ nhất của người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ: vừa mộc mạc, chất phát, vừa cứng rắn, mạnh mẽ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button