Cảm nhận của em về nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù
Dưới đây là bài làm cảm nhận của em về nhân vật huấn cao mới nhất được tổng hợp với wikisecret cho các bạn tham khảo hãy theo dõi ngay bên dưới nhé
Video cảm nhận về nhân vật huấn cao
Đề bài: Cảm nhận của em về nhân vật Huấn Cao
Bài làm
Nguyễn Tuân là một nhà văn tài hoa của nền văn học Việt Nam hiện đại. Không những vậy, ông còn là người uyên bác, có suy nghĩ độc đáo, yêu cái đẹp và sống cả cuộc đời để đi tìm cái đẹp. Nhưng trên hết, chính bản thân ông cũng tạo ra những cái đẹp cho cuộc đời, cho nền văn học của dân tộc. Vì thế, tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn ẩn chứa cái đẹp riêng độc đáo khác lạ, đôi khi là chút gì đó phô trương, có khi lại sâu lắng, ý nghĩa vô cùng. Đặc biệt, vào giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, những trang viết của ông luôn hướng tới chủ nghĩa xê dịch và đi tìm cái đẹp đã vang bóng một thời trong cuộc sống. Một trong những tác phẩm không thể không nhắc tới trong giai đoạn này chính là “Chữ người tử tù”. Trong tác phẩm, nhân vật Huấn Cao đã để lại trong em những ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Tác phẩm “Chữ người tử tù” được trích từ tập truyện “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân. Ban đầu, tác phẩm có tên là “Dòng chữ cuối cùng”- đăng trên tạp chí Tao Đàn năm 1938, sau đổi thành “Chữ người tử tù”. Theo cá nhân em, cái tên thay thế này tạo ấn tượng mạnh và hay hơn với bạn đọc, khiến cho người đọc tò mò, hứng thú từ lúc tiếp cận với nhan đề tác phẩm.
Ta thấy, ngay ở phần đầu truyện, Huấn Cao đã được giới thiệu là một nhân vật vô cùng đặc biệt, không hề tầm thường chút nào. Huấn Cao là một người anh hùng “chọc trời quấy nước”, dám nổi dậy tạo phản vì bất bình với sự cai trị của triều đình để nhân dân có được cuộc sống đủ đầy tốt đẹp hơn. Dù với triều đình, Huấn Cao là một tên trọng phạm, tội lỗi tày đình phải chờ giải đến pháp trường xử tử thì với người dân, ông lại là một vị anh hùng quang minh lỗi lạc. Đặc biệt, ông còn có tài nổi tiếng viết chữ nhanh và đẹp. Chữ của ông viết ra khiến ai cũng phải tấm tắc khen ngợi. Có thuyết cho rằng, nhân vật Huấn Cao của Nguyễn Tuân được lấy từ hình mẫu của người anh hùng Cao Bá Quát trong lịch sử. Điều này đến bây giờ vẫn còn chưa được kiểm chứng. Nhưng quả thật, “nhà văn của thú xê dịch” đã dành rất nhiều bút lực và sự kính trọng khi viết về nhân vật Huấn Cao- một con người tài hoa, dũng cảm.
Chính vì cá tính mạnh mẽ dám chống đối cả triều đình thối nát nên Huấn Cao vẫn giữ nguyên thái độ khinh bạc với những tên lính, tên quan áp giải mình. Thế nhưng, người đọc chỉ có thể hiểu hết về nhân cách và con người Huấn Cao vào khoảnh khắc cho chữ. Cảnh cho chữ được đánh giá là một cảnh xưa nay chưa từng có. Viên quản ngục vốn là một người yêu cái đẹp, yêu nét chữ đặc biệt của Huấn Cao nên chẳng ngại ngần thân phận mà tìm đến tận ngục- nơi Huấn Cao bị giam giữ để xin chữ. Cái lạ là Huấn Cao khi biết được nguyện vọng vủa viên quản ngục thì chẳng hề tỏ thái độ kiêu ngạo hay ghét bỏ. Trái lại, Huấn Cao tình nguyện viết những nét chữ được coi có thể là một trong những nét chữ cuối cùng của đời mình để tặng cho kẻ vốn chẳng thân thích. Chúng ta vẫn hiểu, khi xưa, người học rộng tài cao viết chữ, đề thơ nếu không giữ cho bản thân thì cũng chỉ đem tặng những người thân thiết, những người tri kỉ có thể hiểu được tư tưởng, quan điểm và lí tưởng của mình để cùng bàn luận việc đời. Vậy mà, trong hoàn cảnh đặc biệt như thế, Huấn Cao lại đem tặng những dòng chữ trân quý cho viên quản ngục. Thế mới hiểu, tấm lòng trọng nghĩa, đề cao nhân cách con người của Huấn Cao. Cũng trong cảnh tượng hiếm thấy đó, hình tượng nhân vật Huấn Cao cùng nét chữ cứng cỏi mà không kém phần mềm mại như bừng sáng lên nơi ngục tối ẩm thấp. Với phong thái nhàn nhã, ung dung, chẳng chút sợ hãi của người cận kề cái chết, Huấn Cao từ một người tử tù, trở thành một người nghệ sĩ- anh hùng, mang vẻ đẹp uy nghi lẫm liệt đang “dậm tô nét chữ”.
Cảm nhận của em về nhân vật Huấn Cao
Sau khi cho chữ, người tử tù Huấn Cao còn đỡ viên quản ngục đứng dậy và ân cần dành tặng những lời khuyên chí tình, chí nghĩa. Đó là lời khuyên viên quản ngục hãy thay đổi nghề, thay đổi chỗ ở để giữ được thiên lương trong sáng và tiếp tục thú chơi chữ Nho thanh tao, cao quý.
Cho đến cuối cùng, Huấn Cao- người anh hùng “đội trời đạp đất”, người nghệ sĩ tài hoa và người tử tù cận kề cái chết cũng chỉ lo lắng, sợ rằng chỉ chút nữa thôi, mình đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ. Đến đây, người đọc đã hiểu được nhân cách cao cả của nhân vật Huấn Cao. Dù có ngang tàn khí phách cỡ nào nhưng đối với những người yêu cái đẹp, những tâm hồn “thiên lương trong sáng”, Huấn Cao vẫn rất mực đối đãi nể trọng. Đó cũng chính là nét đẹp trong tâm hồn Huấn Cao. Cũng chính điều này khiến nét chữ của ông- một con người tài hoa đích thực thêm đẹp, thêm cao quý.
Từng trang viết của “Chữ người tử tù” là những lời văn kín đáo mà sâu sắc của Nguyễn Tuân khi ca ngợi người anh hùng suốt đời theo đuổi cái đẹp. Huấn Cao là nhân vật tiêu biểu như thế!