Cảm nhận của em sau một tiết học HĐNGLL
Cảm nhận của em sau một tiết học HĐNGLL chủ đề: “Giáo dục sức khỏe sinh sản và phòng chống xâm hại tình dục”
Bài làm
Những ngày gần đây, trên các phương tiện truyền thông liên tiếp xuất hiện nhiều thông tin đau lòng về vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục. Có những em tuổi còn rất nhỏ; có những em bị xâm hại không chỉ một lần… Điều này gióng lên hồi chuông báo động về sự suy đồi đạo đức. Mỗi một sự việc đau lòng xảy ra khiến mỗi chúng ta đều trăn trở: phải chăng việc giáo dục giới tính cho trẻ em ở Việt Nam còn bị xem nhẹ dẫn đến hậu quả thương tâm như chúng ta đã nghe. Bên cạnh đó là hiện tượng nạo phá thai đối với các em trong độ tuổi vị thành niên ngày càng tăng. Vậy làm thế nào để giúp các em tự phòng vệ được bản thân trước khi sự việc đáng tiếc xảy ra. Đó là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính cho các em học sinh, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng chuyên đề về giáo dục sức khoẻ sinh sản và đặc biệt dạy các em biết cách tự bảo vệ mình, phòng chống xâm hại tình dục. Chương trình giảng dạy sẽ chia nội dung giảng dạy cho 2 đối tượng khác nhau: nội dung giành cho học sinh nữ và nội dung giành cho các em học sinh nam.
Ngày 11 tháng 4 năm 2019 trong tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp, các em học sinh nữ của trường THCS Độc Lập đã được các cô giáo chủ nhiệm tư vấn và chia sẻ về chủ đề “Giáo dục sức khỏe sinh sản và phòng chống xâm hại tình dục”. Chủ đề này đã được nói đến rất nhiều nhưng đây là lần đầu tiên có một tiết học giáo dục giới tính dành riêng cho các em học sinh nữ. Trong giờ học, giáo viên không đưa ra những định nghĩa, khái niệm khô cứng hay thuyết giảng những điều học sinh được phép và không được phép làm. Thay vào đó, giáo viên và học sinh có thể thoải mái đưa ra những nhận định, cách xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm, cũng như bày tỏ quan điểm, thắc mắc của bản thân về vấn đề giới tính, sinh sản.
Đầu tiết học, khi tôi mới bắt đầu trao đổi, các em đỏ mặt, ngại ngùng. Nhưng khi thấy cô chia sẻ chân thành, các em đã dần mạnh dạn hơn, các em đã chia sẻ những điều mà các em chưa giám nói với ai như: “Đau bụng trong kỳ nguyệt san thì phải làm thế nào?”, “Cô ơi, làm sao biết mình đã có thai?”, “Uống thuốc tránh thai có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?”, “Nếu 2 tháng mới có kinh nguyệt 1 lần có sao không?” … Tôi thực sự bất ngờ về những câu hỏi của các em. Cứ như thế, tiết học diễn ra sôi nổi, cởi mở, chân thành.
Trong tiết học, các em được xem video về một số hành vi xâm hại tình dục và hiện tượng nạo phá thai. Các em thực sự sợ hãi trước những hình ảnh về tội ác ấy. Từ đó các em cũng biết rút kinh nghiệm cho bản thân, biết cảnh giác hơn với những đối tượng có hành vi xấu, biết cách chống lại những hành vi đó. Trống hết giờ, mà cô trò vẫn còn đang say sưa chia sẻ với nhau về chủ đề này. Một em đứng lên đề nghị: “Hôm nào cô lại cho lớp mình học thêm về chủ đề này nhé”. Tôi cảm thấy thật vui, vì tiết học thực sự có ý nghĩa đối với các em.
Bản thân là một giáo viên chủ nhiệm, tôi nhận thấy những giờ học như thế này rất thiết thực. Nó cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các em học sinh về sức khỏe sinh sản, chống xâm hại tình dục để từ đó các em biết bảo vệ bản thân và có những suy nghĩ và hành động đúng đắn về sức khỏe sinh sản trong cuộc sống. Vấn đề này không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà tôi nghĩ gia đình và toàn xã hội cũng cần phải tham gia. Hơn thế nữa, người lớn chúng ta cũng cần phải gần gũi, cởi mở với các em hơn để có thể làm chỗ dựa tinh thần cho các em vì khi chúng ta chân thành, các em cũng sẽ tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ với chúng ta. Có như vậy, chúng ta mới biết được tâm tư, nguyện vọng của các em từ đó kịp thời uốn nắn, hướng dẫn các em để các em có hành vi đúng đắn, biết tự bảo vệ mình trong cuộc sống. Hy vọng nội dung giáo dục giành cho các em học sinh nam sẽ có hiệu ứng tích cực và hào hứng tham gia, các em sẽ có những trao đổi thẳng thắn để các thầy cô biết, chia sẻ thông tin giúp các em biết cách bảo vệ bản thân, suy nghĩ chín chắn mỗi khi hành động trong cuộc sống.